Kiến Thức Nhà Đẹp

1. Quy luật cân bằng (Balance)

Quy luật cân bằng là một trong những kiến thức cơ bản về thiết kế nội thất. Nguyên tắc này tập trung vào việc phân bổ các yếu tố trong không gian nội thất một cách đồng đều, nhằm tạo thiết kế tổng thể hợp lý, thống nhất và hài hòa hơn. Quy luật cân bằng có thể thực hiện theo ba công thức, đó là cân bằng đối xứng, cân bằng bất đối xứng, cân bằng trọng tâm. Cụ thể như sau: - Cân bằng đối xứng: Công thức này được áp dụng phổ biến trong phong cách thiết kế nội thất truyền thống. Các yếu tố sẽ được phân bổ đối xứng qua trục trung tâm xác định từ trước, tạo sự cân đối và hài hòa cho tổng thể thiết kế. - Cân bằng bất đối xứng: Công thức này nhấn mạnh vào sự khác biệt về màu sắc, tỷ lệ, kích thước… của các yếu tố trong không gian nội thất, nhằm mang đến sự độc đáo và phá cách nhưng vẫn đảm bảo tính cân bằng. - Cân bằng trọng tâm: Theo công thức này, một sản phẩm có thiết kế ấn tượng sẽ được bố trí làm trọng tâm, các đồ dùng trang trí còn lại sẽ phân bổ xung quanh một cách hợp lý.

2. Quy luật nhịp điệu (Rhythm)

Quy luật nhịp điệu là sự lặp đi lặp lại của một, hoặc một nhóm yếu tố, tạo ra sự liên kết và dịch chuyển cho không gian, giúp điều hướng tầm nhìn trong thiết kế. Nhịp điệu có thể là sự trùng lặp về màu sắc, hình dáng, bố cục, chi tiết trang trí… Quy luật nhịp điệu được phân loại cụ thể như sau: - Nhịp điệu lặp lại: Các yếu tố trùng lặp về vị trí, hình dạng, màu sắc… theo một khoảng cách hoặc chu kỳ nhất định. - Nhịp điệu từ chuỗi các đối tượng: Tập trung vào sự thay đổi hình dáng, kích thước từ nhỏ sang lớn, hoặc từ lớn sang nhỏ. - Nhịp điệu từ sự liên tục: Đây là cách chuyển hướng tầm nhìn liên tục từ điểm này sang điểm khác.

3. Quy luật về sự hài hòa (Harmony)

Một trong những kiến thức cơ bản về thiết kế nội thất bạn không nên bỏ qua đó là quy luật về sự hài hòa. Nội dung của quy luật này tập trung vào sự thống nhất của các đối tượng trong một không gian, có nghĩa là bạn sẽ sử dụng một phong cách, màu sắc, vật liệu, chủ đề… để tạo sự hòa hợp, ấn tượng và thoải mái. Ngoài ra, bạn có thể đảm bảo sự hài hòa trong thiết kế bằng cách sử dụng các yếu tố liên quan về hình dáng, kích thước, vị trí, chức năng. Hoặc bạn sẽ kết hợp, bố trí nhiều đối tượng cùng một chủ đề, cùng một tâm trạng để tạo tổng thể thống nhất hài hòa.

4. Quy luật tương phản

Quy luật tương phản trong thiết kế nội thất rất dễ hình dung, đó là sự đối lập giữa các yếu tố trong cùng một không gian. Bằng việc sử dụng những yếu tố có sự liên quan và đối lập nhau về màu sắc, đường nét, hình dạng, chất liệu, ánh sáng… qua đó tạo nên điểm nhấn và sức hút cho không gian sống. Các loại tương phản xuất hiện phổ biến trong thiết kế nội thất có thể kể đến như: màu sắc (nóng - lạnh), đường nét (thẳng - cong, ngang - đứng), không gian (rộng - hẹp), chất liệu (mịn - thô ráp), hình dạng (vuông - tròn)…

5. Quy luật tỷ lệ (Proportion and Scale)

Quy luật tỷ lệ trong thiết kế nội thất dựa trên việc sử dụng hai hay nhiều yếu tố trong một bố cục, giúp chúng có mối liên hệ với nhau về tổng thể. Quy luật này mang đến sự hài hòa, cân đối và tính thẩm mỹ cao cho không gian sống. Trong thiết kế nội thất, các tỷ lệ đẹp thường được sử dụng như tỷ lệ 1/3, tỷ lệ vàng…

6. Quy luật về sự cân xứng

Khi tìm hiểu các kiến thức cơ bản về thiết kế nội thất, bạn không thể bỏ qua quy luật về sự cân xứng. Nội dung của quy luật này đó là sự tương xứng giữa các thành phần trong một không gian, tạo sự đồng nhất và cân bằng. Thông thường, sự cân xứng sẽ bao gồm mối liên quan về chiều rộng, chiều cao, chiều sâu và cả không gian xung quanh. Quy luật cân xứng chia thành hai nhóm, đó là: cân xứng trục đứng, cân xứng trục ngang. Trong đó, cân xứng trục đứng bố trí các yếu tố theo trục đứng ở giữa, hai bên trục có những đối tượng giống nhau, phù hợp với nhau về màu sắc, kích thước, hình dáng… Cân xứng trục ngang cũng tương tự, lúc này bạn sẽ thiết kế các yếu tố theo trục nằm ngang.

7. Quy luật nhấn mạnh (Emphasis)

Quy luật nhấn mạnh tạo ra hiệu ứng thị giác, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh về một điểm nổi bật, độc đáo trong không gian. Điểm nhấn mạnh trong thiết kế nội thất có thể là một bức tranh, một đồ dùng, một họa tiết trang trí… vừa tăng tính thẩm mỹ vừa tạo điểm nhấn cho toàn bộ ngôi nhà.